Một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.
Theo đó, Nghị định số 87/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý giá.
Một số hành vi vi phạm được nghị định quy định như sau:
1. Phạt tiền tối đa lên đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chấp hành không đúng một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc chấp hành đúng biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định đổi với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
+ Buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
2. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quy định tại Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP cụ thể như sau:
+ Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể
+ Hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành
+ Hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành
+ Hành vi bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành
+ Hành vi bán thấp hơn giá tối thiểu do Nhà nước ban hành
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định do hành vi vi phạm gây ra tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định mới, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện việc thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, sau thời gian đó mà không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước. Sau thời hạn thực hiện công khai nội dung khắc phục hậu quả lên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải báo cáo kết quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong 07 ngày làm việc.
3. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 13 Nghị định số 87/2024/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật.
+ Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
+ Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều này.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
+ Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
Tương tự với quy định tại Điều 10, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả trên nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần các hành vi vi phạm thì áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần, trừ các hành vi vi phạm tại Điều 7; khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 20; khoản 3 Điều 22; khoản 5 Điều 23; khoản 4 Điều 25 thì xử phạt về từng hành vi.
Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 12/7/2024.