Hiệu quả từ công tác quản lý địa bàn của lực lượng Quản lý thị trường.
Từ khi lực lượng QLTT được củng cố lại theo Nghị định 10/NĐ-CP ngày 23/01/1995 của Chính Phủ, thì công tác quản lý địa bàn chưa được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị trường; tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ để đạt được hiệu quả cao và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao theo hướng bền vững thì một số Chi cục QLTT đã chủ động lập sổ bộ, thống kê danh sách các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thuộc địa phương mình để quản lý; như tại tỉnh Quảng Trị, năm 1999, công tác thống kê, lập sổ bộ đã được lãnh đạo Chi cục QLTT thời kỳ đó triển khai thực hiện, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở việc thống kê danh sách để theo dõi là chủ yếu mà chưa có giải pháp cụ thể để tổ chức quản lý theo địa bàn một cách cụ thể.
Từ những hiệu quả đem lại của công tác QLĐB và nhu cầu cấp thiết của công tác quản lý thị trường trong tình hình thị trường thường xuyên có những diễn biến phức tạp, ngày 24/8/2009 Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BCT quy định về công tác quản lý địa bàn của cơ quan Quản lý thị trường; theo đó, công tác QLĐB đã chính thức là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Quản lý thị trường; Thông tư đã quy định rõ về đối tượng, phạm vi, nội dung, phương pháp quản lý địa bàn và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn. Từ những quy định cụ thể theo nội dung Thông tư, công tác rà soát, nâng cấp và củng cố dữ liệu về tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn cơ bản được thống nhất, công chức được phân công địa bàn đã phát huy được hiệu quả và trách nhiệm theo địa bàn quản lý, các thông tin, báo cáo về tình hình thị trường ngày càng nhiều và kịp thời hơn, hiệu quả kiểm tra, xử lý ngày được nâng cao, thị trường ổn định hơn.
Hoạt động tuyên truyền pháp luật tập trung của QLTT tỉnh Quảng Trị
Bên cạnh hiệu quả từ công tác quản lý địa bàn theo Thông tư 24/2009/TT-BCT thì một số đơn vị vẫn còn có sự lúng túng trong triển khai các giải pháp về quản lý địa bàn như: Thụ động trong việc đi công tác địa bàn, nặng về thống kê số liệu thu thập số liệu mà không có sự sàng lọc hoặc nắm thực tế tình hình cơ sở trên địa bàn dẫn đến số lượng cơ sở nhiều nhưng không quản lý được, công tác phối hợp với chính quyền địa phương về tình hình thị trường cũng còn hạn chế. Mặt khác, do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin thiếu thốn nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu chưa có sự thống nhất trên toàn quốc, việc quản lý, trích xuất dữ liệu cũng rất thủ công nên công tác quản lý địa bàn chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả như yêu cầu đặt ra. Riêng ở tỉnh Quảng Trị, Chi cục QLTT đã có nhiều trăn trở, nghiên cứu nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn theo Thông tư 24, đơn vị đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện công tác quản lý địa bàn, tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn và đưa nội dung quản lý địa bàn vào nội dung đánh giá riêng trong các báo cáo tổng kết hàng năm; hàng năm trong đơn vị cũng đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cấp cơ sở về nâng cao công tác quản lý địa bàn, xây dựng và duy trì nhiều mô hình về chấp hành pháp luật thương mại và ATTP. Những nỗ lực cố gắng của đơn vị trong thời gian qua đã tạo được nền tảng quan trọng cho các nhiệm vụ mới trong thời gian sau này.
Ngày 01/9/2016, Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực, theo đó, công tác quản lý địa bàn chính thức là một trong bốn biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT đã được Pháp lệnh quy định. Từ đó một lần nữa khẳng định rằng, vai trò của công tác quản lý địa bàn là rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo Bộ Công Thương tại lễ bàn giao Chi cục QLTT về Bộ Công Thương
Ngày 12/10/2018, lực lượng QLTT toàn quốc được tổ chức theo mô hình mới thống nhất từ Trung ương đến địa phương; kèm theo đó nhiều văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của lực lượng QLTT cũng được ban hành đã tạo khung pháp lý chặt chẽ trong tổ chức và hoạt động của lực lượng. Bộ Công Thương cũng đã sớm ban hành Thông tư quy định nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT (Thông tư 35/2018/TT-BCT), trong đó đã cụ thể hóa về công tác quản lý địa bàn; bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm ứng dụng đã được Tổng Cục QLTT trang bị và đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ, quyết liệt, nhất là hệ thống sso.dms.gov.vn.
Từ ngày 01/01/2020 hệ thống xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT (INS) chính thức được triển khai với nhiều ứng dụng thiết thực cho hoạt động của lực lượng, trong đó có phần quản lý dữ liệu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rất khoa học và thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý, trích xuất dữ liệu và kiểm tra, xử lý; việc ứng dụng phần mềm quản lý các tổ chức, cá nhân theo địa bàn đã giải quyết được nốt thắt quan trọng trong công tác quản lý địa bàn, công chức không còn phải đầu tư nhiều về thống kê số liệu mà để dành nhiều thời gian thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý địa bàn, nhất là việc theo dõi, phản ánh kịp thời diễn biến bất thường của thị trường và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên địa bàn.
Xét về góc độ khác, điểm nhấn quan trọng để thay đổi nhận thức về nghiệp vụ quản lý địa bàn của công chức QLTT đó là sự ra đời của Thông 18/2019/TT-BCT ngày 30/9/2019 quy định về hoạt động công vụ của công chức QLTT, theo đó Thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của công chức gắn với các hoạt động công vụ, đặc biệt là công tác quản lý địa bàn ví dụ như buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý theo địa bàn để xảy ra vụ việc thuộc phạm vi kiểm tra của Quản lý thị trường nhưng bị cơ quan có thẩm quyền khác đến kiểm tra, xử lý tùy theo giá trị tang vật vi phạm thì bị xử lý trách nhiệm theo quy định. Từ những quy định này, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý địa bàn được chú trọng hơn cả về mặt số lượng và chất lượng; đòi hỏi công chức QLTT khi thực hiện công tác QLĐB phải nắm rõ được các cơ sở sản xuất kinh doanh, đánh giá được tình hình chấp hành pháp luật của cơ sở kinh doanh và kịp thời báo cáo với lãnh đạo đơn vị để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác liên quan hoặc để kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn.
Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác quản lý địa bàn của lực lượng QLTT mà nhiều vụ việc nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã được phát hiện và xử lý kịp thời, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, tinh vi, quy mô lớn được triệt phá; đặc biệt trong đợt phòng chống dịch Covid-19 lực lượng QLTT trên cả nước đã bám địa bàn, chủ động sớm vào cuộc để ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong hoạt động kinh doanh các vật tư, thiết bị phòng chống dịch và các mặt hàng thiết yếu góp phần ổn định thị trường.
Từ những yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý thị trường vì sự phát triển ổn định và lành mạnh thị trường, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng, công chức QLTT cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ về công tác quản lý địa bàn trong tình hình mới; theo đó, cần tập trung thực hiện tốt các khâu nghiệp vụ QLĐB theo quy định tại Pháp lệnh QLTT và Thông tư 35/2019/TT-BCT, xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác với thực trạng địa bàn, rà soát, cập nhật kịp thời, đầy đủ vào hệ thống INS của lực lượng, đặc biệt chú trọng việc nắm tình hình diễn biến thị trường bằng các nghiệp vụ trực tiếp hoặc qua theo dõi các kênh bán hàng theo hình thức thương mại điện tử để nắm tình hình các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh trên địa bàn mình kịp thời tham mưu, xử lý. Trong quá trình quản lý địa bàn cần có sự nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tuyên truyền để ngăn ngừa vi phạm hành chính có thể xảy ra trong kinh doanh như: Tổ chức tuyên truyền pháp luật tập trung theo nhóm đối tượng kinh doanh, theo ngành hàng, lĩnh vực; xây dựng các mô hình cam kết về chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại như việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... tại các trung tâm mua sắm, chợ; các mô hình chấp hành về vệ sinh, an toàn thực phẩm và nhiều hình thức khác. Để các công việc có tình bền vững thì quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan cùng chung tay vào cuộc. Lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng QLĐB của các công chức được giao, áp dụng Thông tư 18/2019/TT-BCT và các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật công chức nếu để xảy ra vi phạm pháp luật trong công tác QLĐB của công chức hoặc để xảy ra tình trạng bảo kê, buông lỏng quản lý hoặc thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện công tác quản lý địa bàn.
Tóm lại, trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhiệm vụ công tác quản lý thị trường đặt ra là hết sức nặng nề, trước thực trạng tình hình biên chế mỏng, mô hình tổ chức được rút gọn theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; đòi hỏi mỗi một công chức QLTT phải tự nâng cao chất lượng, năng lực thực thi công vụ mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng nhận, và hoàn thành tốt mọi công việc được giao, trong đó cần sự sáng tạo và thực hiện có hiệu quả hơn về công tác quản lý địa bàn; công chức QLTT sẵn sàng đương đầu với khó khăn, dám làm và dám chịu trách nhiệm đồng thời tăng cường sáng kiến mới, giải pháp mới trong cách làm, trong điều hành, quản lý đơn vị để phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết, dân chủ cùng nhau thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch nhiệm vụ đã đề ra./.