Quy định về thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ Theo Luật Thanh tra 2022
Vấn đề này được quy định tại các Điều 18, 19, 20 và 21 Luật thanh tra năm 2022, cụ thể như sau:
Luật quy định Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập các cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ (thay vì mỗi Bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010) dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm tăng thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Về điều kiện thành lập: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.
Về cơ cấu tổ chức: Thanh tra Tổng cục, Cục có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác. Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục do Tổng Cục trưởng, Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Chánh Thanh tra Bộ. Tổ chức của Thanh tra Tổng cục, Cục được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.