Một số quy định mới của pháp luật liên quan đến công tác quản lý thị trường, có hiệu lực từ 01/7/2024.
Kể từ ngày 01/7/2024 các quy định pháp luật có hiệu lực thi hành, bao gồm:
1. Luật Giá năm 2023 số 16/2023/QH15
Luật Giá năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19/6/2023 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Luật gồm: 8 Chương và 75 Điều.
Trong đó, những điểm mới, đáng chủ ý của Luật giá 2023 gồm:
- Loại bỏ mặt hàng điện; muối ăn; đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Bổ sung thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào danh mục bình ổn giá.
- Bỏ quy định về đăng ký giá;
- Quy định về niêm yết giá: Bổ sung thêm quy định về hình thức niêm yết giá cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lựa chọn, đó là niêm yết “trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 số 19/2023/QH15
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Luật gồm: 7 Chương và 80 Điều.
Trong đó, Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm:
- Các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp;
- Các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số;
- Hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
- Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.
3. Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Điểm đáng chú ý, Nghị định sửa đổi quy định:
- Hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 12, điểm c khoản 13 Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP:
“b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hoặc hành vi đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi sản xuất, nhập khẩu quy định tại Điều này.”
- Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm c khoản 13 Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP:
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi nhập khẩu, quá cảnh hoặc hành vi đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi nhập khẩu, quá cảnh quy định tại Điều này.
Hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên chỉ áp dụng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, quá cảnh hoặc hành vi đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, điều này đã góp phần giảm lượng hồ sơ vượt thẩm quyền phải chuyển lên cấp trên để xử lý.
Trên đây là những tổng hợp một số quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý thị trường có hiệu lực từ 01/7/2024.